Tác động Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Một số vấn đề của ngành giáo dục

Những kết quả bước đầu

Bên cạnh những lúng túng ban đầu, sau một năm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cho khối lớp 1, các nhà trường đã thay đổi cách quản trị theo hướng phát huy tính chủ động của cơ sở và năng lực cá nhân của người dạy. Trong quá trình đó, những người làm nhiệm vụ giảng dạy đã có nhiều phương pháp dạy học phù hợp nhằm đảm bảo phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.[76] Theo kết quả tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 100% học sinh lớp 1 hoàn thành chương trình giáo dục theo đúng kế hoạch. So sánh với học sinh lớp 1 các khóa trước thì học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 có một số năng lực nổi trội hơn. Tỷ lệ học sinh lớp 1 hoàn thành tốt chương trình hai môn tiếng Việt và Toán tăng, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành giảm. Cụ thể, tỉnh Kiên Giang có tỷ lệ học sinh lớp 1 hoàn thành tốt chương trình môn Tiếng Việt và Toán lần lượt tăng 6,53% và 3,86% so với năm học trước; tỷ lệ chưa hoàn thành lần lượt giảm 1,34% và 0,45%. Tỷ lệ học sinh lớp 1 của tỉnh Hải Dương hoàn thành tốt hai môn học này tăng trên 10%. Tại Đắk Lắk, tỷ lệ học sinh hoàn thành tăng lên ở cả nhóm học sinh dân tộc thiểu số.[77] Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ đọc, viết thông thạo của học sinh khối lớp 1 trong học kỳ I tăng cao. Học sinh lớp 1 đã bắt đầu có sự tự tin, mạnh dạn trong việc nêu quan điểm cá nhân và tương tác tốt với người dạy.[78]

Đội ngũ nhà giáo

Theo Ban quản lý chương trình ETEP, từ khi bắt đầu triển khai từ năm 2017 đến đầu năm 2022, chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiến hành bồi dưỡng 6/6 module bắt buộc cho 31.379 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Chương trình cũng đã bồi dưỡng 4/5 module bắt buộc cho gần 580.197 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà. Trong đó, có 387.989 giáo viên đại trà đã hoàn thành tất cả 5 module bắt buộc.[79] Đánh giá về quá trình bồi dưỡng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai Bùi Xuân Tiệp cho rằng: "Chương trình đã mang lại giá trị rất lớn cho việc nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018". Theo ông, trình độ của giáo viên sau quá trình đào tạo đã được "nâng cao rõ rệt".[80] Nhưng song song đó, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đứng trước một số trở ngại như sự bất cân xứng trong chất lượng của giáo viên đại trà và cán bộ quản lý, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, việc thừa thiếu trong đội ngũ nhà giáo, chưa đồng bộ về cơ cấu trong đội ngũ giáo viên cũng là một vấn đề cần phải lưu tâm.[81] Trước thềm năm học 2022 - 2023, ghi nhận việc thiếu hụt trầm trọng đội ngũ giáo viên Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.[82]

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt giáo viên phổ thông cho chương trình giáo dục phổ thông mới đến từ việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục.[83] Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định số 3075/QĐ-BGDĐT về "Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021".[84][85] Từ quá trình tinh giản biên chế này, việc chương trình mới có thêm một số môn học và hoạt động mới đã khiến cho lượng giáo viên sẵn có để dạy các môn học này bị thiếu hụt.[86] Lý giải về hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: "Do tinh giản biên chế, một số địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên. Riêng lớp 1 là bố trí rất đầy đủ giáo viên để có thể tham gia giảng dạy. Nhưng với lớp 2, lớp 3 ở một số địa phương lại bắt đầu dần dần khó khăn do thiếu giáo viên, đặc biệt là một số môn khó hiện nay ở tiểu học".[87] Vì vậy, đối với một số địa phương, việc bổ sung giáo viên cho chương trình mới trong bối cảnh tinh giản biên chế được cho là một "thách thức không nhỏ".[88][89]

Chương trình lớp 10 mới

Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 bắt đầu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.[90] Đối với khối lớp 10, một số lo ngại đã dấy lên về việc lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của học sinh.[91] Một trong số đó là tạo ra quá nhiều tổ hợp môn dựa trên từng lựa chọn.[92] Theo ước tính, với từng lựa chọn như vậy có thể tạo ra hàng trăm tổ hợp môn khác nhau, vừa khiến phụ huynh và học sinh lúng túng, vừa gây khó cho cơ sở giáo dục và người dạy.[93] Ngoài ra, còn có một số lo ngại thất nghiệp từ đội ngũ giáo viên do chênh lệch giữa các tổ hợp môn lựa chọn, khiến một số tổ hợp môn được chọn nhiều, một số tổ hợp môn được chọn ít, không đủ để lập thành lớp dạy.[94] Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, việc này đã được đội ngũ biên soạn chương trình dự báo từ trước. Ông cho rằng: "Để khắc phục khó khăn trước mắt về biên chế giáo viên, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có thể điều động hoặc ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy những môn học này từ các cấp học khác, các trường chuyên nghiệp. Ngành giáo dục cũng có thể cho phép học sinh học những môn này ở các trường chuyên nghiệp trên địa bàn, công nhận kết quả học tập của các em như đối với các môn học ở trường trung học phổ thông. Dĩ nhiên, nếu không nhiều học sinh địa phương có nguyện vọng học các môn này thì không cần áp dụng các giải pháp nói trên".[95]

Bên cạnh những lo ngại về vấn đề xây dựng tổ hợp môn, một vấn đề khác cũng nảy sinh. Đó là việc phụ huynh và học sinh chuẩn bị vào lớp 10 tỏ ra khá mơ hồ về chương trình mới. Nhiều phụ huynh cho rằng đây là lần đầu họ nghe tới chương trình giáo dục phổ thông mới, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chương trình từ năm 2018. Vài người còn cho biết họ "chưa nhận được thông báo chính thức từ giáo viên chủ nhiệm hay từ nhà trường về thay đổi này". Theo ý kiến của một số học sinh, trên một số diễn đàn học tập gần đây, chủ đề được bàn luận nhiều nhất lại là việc chuẩn bị thi vào lớp 10, còn vấn đề thay đổi chương trình học thì không được đề cập tới.[96][97]

Việc chương trình mới áp dụng cho lứa học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 đã gây nên nhiều tranh cãi về việc nên hay không nên đưa môn Lịch sử vào chương trình giáo dục tự chọn.[98] Nhiều ý kiến cho rằng nếu loại môn Lịch sử ra khỏi chương trình giáo dục bắt buộc thì sẽ có rất ít học sinh đăng ký học, vì từ trước đến nay việc học sử chủ yếu được thực hiện bằng hình thức học thuộc lòng, với mục đích thi cử. Điều này dẫn đến viễn cảnh nhiều giáo viên dạy môn này có nguy cơ thất nghiệp.[99][100][101] Một số ý kiến khác thì cho rằng việc loại môn sử sẽ khiến cho thế hệ học sinh sau này quên đi quá khứ và nguồn cội của mình.[102][103] Giải thích về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định môn chương trình môn Lịch sử ở các lớp 6, 7, 8 và 9 đã "cung cấp những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại". Theo đó, ở giai đoạn này, học sinh coi như "đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện". Chưa kể, 20% thời lượng dành cho nội dung giáo dục địa phương vẫn có thể sử dụng để giảng dạy lịch sử địa phương. Vì thế, ông cho rằng "môn lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông".[104] Theo một số nhà giáo, để hấp dẫn giới trẻ chọn môn học này thì những người biên soạn phải có trách nhiệm viết sử đúng và đủ chứ không đơn thuần là đổi mới cách dạy vì thông qua mạng internet, giới trẻ ngày nay đã nhận biết được những điều xảy ra trên đất nước mình không giống với những gì được viết trong sách giáo khoa.[105]

Ngày 11 tháng 7 năm 2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký ban hành kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT. Sự thay đổi từ môn lựa chọn thành môn có cả phần bắt buộc và lựa chọn là theo yêu cầu của Quốc hội tại nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội Việt Nam khóa XV thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2022.[106][107] Ngày 3 tháng 8 năm 2022, chương trình đã được điều chỉnh, đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc.[53]

Vấn đề khách quan

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bằng hình thức trực tuyến thông qua mạng Internet

Do sự ảnh hưởng của Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và ở Việt Nam, chương trình giáo dục phổ thông mới năm đầu tiên phải đứng trước nhiều thách thức lớn và thay đổi cách tiếp cận giáo dục sang hình thức học trực tuyến.[108] Trước tình hình đó, ngành giáo dục phải triển khai nhiệm vụ kép: vừa chống dịch COVID-19, vừa triển khai chương trình mới.[109] Bên cạnh một số học sinh thích ứng nhanh với hình thức học này, thì nhiều học sinh vẫn còn tỏ ra lúng túng, không bắt nhịp được với chương trình học, đặc biệt là học sinh vùng núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. Ngoài ra, nhiều gia đình cũng không đủ điều kiện vật chất để mua sắm trang thiết bị học tập cho con cái mình, cũng nhưng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế.[110] Riêng với khối lớp 1, việc triển khai chương trình mới tỏ ra đặc biệt khó khăn vì trước khi vào lớp 1, học sinh chủ yếu ở nhà giãn cách xã hội nên không nhận biết được mặt chữ cũng như làm quen với các hoạt động học tập và chuẩn bị tâm lí vững vàng trước khi đến lớp. Do tình hình dịch bệnh nên việc tổ chức học tập diễn ra sau ngày khai giảng (5 tháng 9), khiến học sinh không có thời gian làm quen với nề nếp học tập như học sinh lớp 1 những năm trước đó.[111]

Vấn đề về danh pháp hóa học

Một số tên gọi của hoá chất trong sách Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở và Hoá học bậc trung học phổ thông chưa thống nhất.[112] Trong vấn đề về danh pháp hóa học có sách lúc thì ghi “sodium, potassium, iron, aluminium” (Sách Khoa học tự nhiên của các bộ sách), lúc thì ghi ”natri, kali, sắt, nhôm” (Sách Lịch sử và Địa lý 7 bộ Chân trời sáng tạo)[113]

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc sử dụng thuật ngữ hoá học và danh pháp hoá học trong chương trình môn Hoá học tuân theo các nguyên tắc sau:[114]

  1. Nguyên tắc khoa học: Khái niệm mà thuật ngữ biểu thị phải được cập nhật phù hợp với sự phát triển của khoa học thế giới; hình thức của thuật ngữ phải bảo đảm tính hệ thống và nhất quán.
  2. Nguyên tắc thống nhất: Thuật ngữ phải có cách hiểu thống nhất trong toàn bộ chương trình môn Hoá học và chương trình giáo dục phổ thông nói chung.
  3. Nguyên tắc hội nhập: Danh pháp hoá học nên viết theo khuyến nghị của Liên minh Quốc tế về Hóa học cơ bản và Hóa học ứng dụng IUPAC (International Union of Pure and Applied Chemistry) có tham khảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5529:2010 và 5530:2010 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Quyết định số 2950- QĐ/BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ), phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước đáp ứng yêu cầu thống nhất và hội nhập.
  4. Nguyên tắc thực tế: Sử dụng tên 13 nguyên tố đã quen dùng trong tiếng Việt: vàng, bạc, đồng, chì, sắt, nhôm, kẽm, lưu huỳnh, thiếc, nitrogen, natrium, kalium và thuỷ ngân; đồng thời có chú thích thuật ngữ tiếng Anh để tiện tra cứu. Hợp chất của các nguyên tố này được gọi tên theo khuyến nghị của IUPAC.

3 bộ sách giáo khoa (Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, và Chân trời sáng tạo) của 3 nhóm tác giả không có sự thống nhất nhau trong cách trình bày danh pháp, không tuân theo các nguyên tắc mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa ra. Và đặc biệt theo các nguyên tắc trong việc “sử dụng thuật ngữ hoá học và danh pháp hoá học” thì “hợp chất của các nguyên tố này được gọi tên theo khuyến nghị của IUPAC” chứ không phải “bắt buộc sử dụng tên tiếng Anh”. Nếu “thuật ngữ hoá học và danh pháp hoá học sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh" thì có rất nhiều khó khăn cho người học, người dạy và đặc biệt tạo ra sự kệch cỡm, sự lai căng văn phạm trong một văn bản tiếng Việt.[112]

Những học sinh bắt đầu học môn Hóa theo chương trình mới sẽ không có trở ngại do được học từ sớm. Nhưng những học sinh lớp 8, 9 học theo chương trình 2006, năm 2022 lên lớp 10 và một số giáo viên lớn tuổi, đã lâu không dùng tiếng Anh, sẽ chưa quen cách đọc. Việc này trong 1-2 năm sẽ quen và trở lại bình thường.[115]

Xã hội hóa sách giáo khoa ở Việt Nam

Hai bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" dành cho chương trình lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đồng thời được chào bán trên kệ tại một hiệu sách ở Việt Nam

Chương trình giáo dục phổ thông mới đánh dấu lần đầu tiên sau năm 1975 việc xây dựng chương trình sách giáo khoa tại Việt Nam được tiến hành theo hình thức xã hội hóa, cho phép các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia vào quá trình biên soạn.[116][117] Các bộ sách giáo khoa Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do nhiều nhà xuất bản khác nhau biên soạn lần lượt ra đời là minh chứng cho quá trình xã hội hóa sách giáo khoa ở Việt Nam.[118] Có 5 nhà xuất bản ở Việt Nam được cấp phép xuất bản sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đó là Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học HuếNhà xuất bản Giáo dục.[119]

Việc xã hội hóa sách giáo khoa ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho các nhà xuất bản cơ hội cạnh tranh với nhau trên thị trường.[120][121] Song, với việc 5 bộ sách giáo khoa trên thị trường hiện nay thì có đến 4 bộ là sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành, nhiều người đã lo ngại về việc "cạnh tranh không lành mạnh", kéo theo thế độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục trong việc phát hành sách giáo khoa ở Việt Nam.[122][123] Bên cạnh đó, ngày 26 tháng 8 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT về việc "lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông".[124] Thông tư này cũng đặt ra nhiều lo ngại về việc độc quyền sách giáo khoa khi "trao toàn quyền quyết định lựa chọn sách khoa cho những hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm ý kiến của cơ sở".[125] Ngoài ra, việc sai sót trong quá trình biên soạn sách giáo khoa mới cũng là một vấn đề được dư luận cũng như các đại biểu quốc hội quan tâm.[126][127][128]

Theo quyết định phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, chỉ còn 3 bộ sách: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.[129]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 //doi.org/10.15625%2F2615-8957%2F12220114 http://daidoanket.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-tho... http://daidoanket.vn/hang-tram-lua-chon-to-hop-mon... http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-4... http://vjes.vnies.edu.vn/vi/thuc-trang-quan-li-thu... http://grep.moet.gov.vn/ https://www.youtube.com/watch?v=M3Iji46HJ-4 https://www.youtube.com/watch?v=bCB1v3A7unY https://www.youtube.com/watch?v=pCNN--qNvr0 https://cvdvn.net/2017/12/28/viet-nam-hoc-duoc-gi-...